Hiện nay trong công tác phòng cháy chữa cháy, các nhà hàng, xí nghiệp, quán karaoke,… cần phải có giấy phép đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy. Ngoài các giấy tờ cần thiết để được cấp phép, các công ty, cơ sở kinh doanh cũng cần phải trang bị hệ thống bình chữa cháy để đề phòng các tình huống cháy nổ. Trong đó cần có loại bình chữa cháy bột và bình chữa cháy CO2.
Ở bài viết này, hãy cùng Hapigo tìm hiểu kỹ hơn về bình chữa cháy CO2 cũng như cách sử dụng trong lúc khẩn cấp thế nào để đạt được hiệu quả.
Các đặc điểm của bình chữa cháy CO2
Hiện nay, bình chữa cháy được chia thành hai loại đó là bình chữa cháy bột và bình chữa cháy CO2. Sau đây là những thông tin được chia sẻ chi tiết đến bạn đọc về bình chữa cháy dạng khí CO2.
Cấu tạo cơ bản và cách nhận biết bình chữa cháy khí CO2
Bình chữa cháy CO2 là loại bình chữa cháy có chứa lượng khí CO2 nhất định, được nén chặt lại để dùng trong các tình huống cứu hỏa khẩn cấp. Bình chữa cháy dạng khí có thân bình hình trụ, vỏ bình được sơn đỏ và đúc từ chất liệu thép cao cấp. Cụm van của loại bình chữa cháy CO2 này thường được thiết kế với cấu trúc van vặn 1 chiều (như loại bình của Ba Lan, bình của Nga,…) hoặc cũng có thể theo dạng van lò xo nén 1 chiều. Thông thường cụm van sẽ được làm từ hợp kim đồng.
Ở vị trí tay xách của bình sẽ được lắp thêm cò bóp (thường thấy ở bình của Nhật Bản, bình của Trung Quốc,…). Song song với đó, chốt kẹp chì được thiết kế thêm để tăng thêm tính an toàn cho người sử dụng và đồng thời cũng giúp đảm bảo chất lượng bình chữa cháy khí CO2 được tốt hơn.
Bên trong bình khí chữa cháy và ở vị trí bên dưới phần van là đường ống nhựa cứng được lắp đặt nhằm mục đích dẫn truyền khí CO2 nén lỏng ra bên ngoài. Phần cụm van của bình chữa cháy CO2 có thiết kế thêm van an toàn, đây được cho là bộ phận quan trọng nhằm giúp xả bớt khí ra ngoài khi áp suất trong bình tăng cao và vượt quá mức cho phép. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trong quá trình sử dụng.
Phần loa phun của bình được thiết kế với chất liệu bằng cao su hoặc cũng có thể được làm từ kim loại, nhựa cứng. Người ta sẽ sử dụng ống thép cứng hoặc một ống xifong mềm để nối loa phun với khớp nối của cụm van.
Đa phần những chiếc bình cứu hỏa chúng ta thấy thường ngày đều có màu sơn quy định là màu đỏ, riêng bình chữa cháy của Ba Lan sẽ có màu trắng, hay bình CDE xuất xứ Trung Quốc được sơn màu đen. Trên thân bình chữa cháy CO2 thường sẽ có đầy đủ các thông tin cơ bản về đặc điểm, dành cho các loại đám cháy nào cũng như cách thức sử dụng,…
Thành phần và nguyên lý của khí CO2 khi chữa cháy
Bên trong bình chữa cháy CO2 là khí CO2 được nén lỏng với áp suất cao (-79 độ C). Với các đám cháy nhỏ mới phát sinh hoặc đám cháy loại A, B, C, người ta sẽ ưu tiên sử dụng bình khí CO2 để dập lửa, nhất là đám cháy xảy ra với các thiết bị máy móc, điện tử, đám cháy trong nhà,…
Về phần cơ chế hoạt động của bình khí CO2 khi xảy ra sự cố cháy nổ, khi tiếp cận bình gần với đám cháy và mở khóa van bình ra, khí CO2 nén lỏng chứa trong bình sẽ thoát ra bên ngoài qua loa phun để trực tiếp gây loãng oxy trong đám cháy. Do có sự chênh lệch về áp suất nên sau khi thoát ra ngoài, khí CO2 lỏng sẽ hình thành dưới dạng tuyết thán khí, độ lạnh lên đến – 79 độ C, làm lạnh nhiệt độ và dập tắt ngọn lửa.
Phân loại bình chữa cháy CO2
Hiện nay trên thị trường có các loại bình chữa cháy CO2 được phân chia ra thành các trọng lượng bình khác nhau với quy trình sản xuất tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cụ thể được kể đến là:
Bình chữa cháy khí CO2 MT2:
- Dạng bình: xách tay
- Tổng khối lượng bình: khoảng 8kg
- Lượng chất chữa cháy: 2kg khí CO2.
- Hiệu quả phun: 8s
- Phạm vi phun: 1,5m
- Áp suất vận hành: 2Mpa
Bình chữa cháy khí CO2 MT3:
- Dạng bình: xách tay
- Tổng khối lượng bình: khoảng 10,5kg
- Lượng chất chữa cháy: 3kg khí CO2.
- Hiệu quả phun: 10s
- Phạm vi phun: 2m
- Áp suất vận hành: 3Mpa
Bình chữa cháy khí CO2 MT5:
- Dạng bình: xách tay
- Tổng khối lượng bình: khoảng 12kg
- Lượng chất chữa cháy: 5kg khí CO2.
- Hiệu quả phun: 15s
- Phạm vi phun: 3m
- Áp suất vận hành: 4Mpa
Bình chữa cháy khí CO2 MT24:
- Dạng bình: xe đẩy
- Tổng khối lượng bình: khoảng 75kg
- Lượng chất chữa cháy: 24kg khí CO2.
- Hiệu quả phun: >30s
- Phạm vi phun: >4m
- Áp suất vận hành: 10Mpa
Trên thân bình chữa cháy CO2 thường được đúc bằng thép chất lượng cao và sơn màu đỏ có ghi đầy đủ các đặc điểm cũng như thông tin cụ thể về thông số kỹ thuật của bình chữa cháy. Ví dụ: Bình chữa cháy MT3, MT3, MT5, MT24. Bên cạnh bình chữa cháy khí CO2 thông dụng (hay còn được ký hiệu là MT), còn có hai loại bình chữa cháy dạng khí khác nữa đó là bình chữa cháy khí FM200 và bình chữa cháy khí Aerosol (hay còn gọi bình Stat – x).
Tác dụng của bình khí CO2 trong chữa cháy
Khí CO2 chứa trong bình chữa cháy có chức năng làm loãng khí oxy cũng như nồng độ các chất cháy gây ra hỏa hoạn. Không những thế, nó còn giúp làm lạnh nhanh bởi khí CO2 được nén ở dạng lỏng (- 79 độ C) sẽ hấp thụ nhiệt tốt khi nó bay hơi đi. Với thiết kế dạng bình xách tay nhanh chóng và thuận lợi, bình chữa cháy CO2 phù hợp để dập tắt ngay các đám cháy nhỏ mới phát sinh, các đám cháy có chất lỏng, chất rắn hay các đám cháy ổ điện, vi tính,…
Ưu/nhược điểm của bình chữa cháy khí CO2
So sánh bình chữa cháy CO2 và bình chữa cháy bột
Điểm giống nhau
Như đã biết, bình chữa cháy CO2 và bình chữa cháy bột là hai loại bình cứu hỏa thông dụng hiện nay. Hai loại bình này đều có điểm chung là thiết bị phòng cháy chữa cháy được sử dụng trong tình huống khẩn cấp giúp dập tắt ngọn lửa ngay lập tức và đều có khả năng kiểm soát các đám cháy mới phát sinh, đám cháy nhỏ.
Bình bột và bình khí CO2 dùng trong chữa cháy cũng đều có cấu tạo bình giống nhau như thân bình được sơn màu đỏ, có van áp suất trên miệng và loa phun chữa cháy. Các địa điểm không có nhiều lối thoát hiểm, tình huống có khả năng phát nổ cao,… đều rất thích hợp để sử dụng bình chữa cháy xách tay để xử lý nhanh chóng.
Về cách thức chữa cháy, bình chữa cháy CO2 và bình chữa cháy bột đều có điểm chung là sử dụng nguyên lý làm loãng thành phần oxy trong không khí, dập tắt lửa bằng khí cacbon dioxit (CO2), nhằm giúp đám cháy được kiểm soát và tắt dần. Một điểm chung nữa của hai loại bình trên được kể đến đó là đều có nhiệt độ bảo quản bình từ – 10 độ C cho đến 50 độ C.
Điểm khác nhau
Các bạn đã có thể thấy được những điểm chung giữa bình chữa cháy CO2 và bình chữa cháy bột. Vậy chúng khác nhau ở các điểm nào? Sau đây là sự so sánh điểm khác biệt giữa hai loại bình chữa cháy trên:
Chất chữa cháy: Đầu tiên, về thành phần chất chữa cháy, bình khí CO2 là dạng khí cacbon dioxit được nén lỏng ở áp suất rất cao còn bình chữa cháy bột có thành phần trên 80% bột NaHCO3 màu trắng mịn, tính chất khô và còn lại là khí đẩy như khí trơ nito, cacbonic,…
Cấu tạo: khi so sánh bình khí CO2 và bình bột chữa cháy cùng thể tích, ta có thể thấy bình khí có vỏ thép đúc rất dày, áp suất nén chất lỏng cực kỳ cao và khối lượng bình lớn hơn hẳn so với bình bột vỏ mỏng, áp suất vừa phải và khối lượng bình nhẹ.
Nguyên lý hoạt động: bình khí CO2 có cơ chế phun trực tiếp khí CO2 để làm loãng thành phần oxy có trong không khí gây cháy, đồng thời cũng khiến nhiệt độ giảm sâu (do khí nén CO2 có nhiệt độ – 79 độ C). Bên cạnh đó, bình bột chữa cháy sẽ được hoạt động với nguyên lý sản sinh khí CO2 dập tắt đám cháy sau khi bột NaHCO3 tiếp xúc với ngọn lửa.
Khả năng chữa cháy: Bình chữa cháy CO2 rất thích hợp để dập lửa cho các đám cháy loại A, D, C. Trong khi đó, bình bột chữa cháy đa dạng hơn, nó có khả năng ngăn chặn các loại đám cháy A, B, C, D, K.
Tác động tới môi trường: Nói đến vấn đề để lại tàn dư cho môi trường sau khi sử dụng, bình chữa cháy CO2 hầu như không để lại bất kỳ dấu vết gì bởi loại khí này thường sẽ bị tan đi ngay sau khi chữa cháy. Về phần bình chữa cháy bột, nó vẫn sẽ để lại bột trắng cặn muối NaHCO3, vì thế mà các bạn không nên sử dụng để dập lửa cho đám cháy có thiết bị điện tử, vi mạch máy tính,…
Ảnh hưởng đến con người: Bình chữa cháy CO2 có độ nguy hiểm cao và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nếu không cẩn thận trong quá trình sử dụng rất dễ bị bỏng lạnh do nhiệt độ sâu đến tận – 79 độ C. Ngược lại, thành phần bột trong bình chữa cháy MFZ không độc hại, không gây nguy hiểm cho con người, chỉ cần lưu ý tránh nuốt phải hoặc khi dính vào thực phẩm thì phải rửa sạch.
Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy CO2 an toàn, hiệu quả
Qua những thông tin trên, các bạn đã biết được phần nào về cấu tạo cũng như các đặc điểm khác nhau của loại bình chữa cháy CO2. Vậy bạn đã biết sử dụng bình chữa cháy CO2 đúng cách hay chưa? Cùng theo dõi về các bước vận hành bình khí chữa cháy cũng như các đám cháy nào có thể sử dụng được loại bình này để có cách xử lý đúng đắn nhất nhé.
Cách sử dụng bình chữa cháy CO2 như thế nào?
Trong tình huống xảy ra hỏa hoạn, đầu tiên các bạn cần giữ tâm lý bình tĩnh để có thể thực hiện các thao tác sử dụng bình chữa cháy. Để sử dụng bình chữa cháy CO2, các bạn cần vận hành theo các bước cơ bản sau đây:
- Bước 1: Nhanh chóng mang bình chữa cháy CO2 đến khu vực xảy ra sự cố cần chữa cháy và giữ bản thân khoảng cách an toàn với ngọn lửa trước khi tiến hành thao tác sử dụng bình cứu hỏa. Chú ý sử dụng đồ dùng bảo hộ: giày bảo hộ, mặt nạ bảo hộ,… để bảo vệ mình một cách an toàn
- Bước 2: Các bạn lấy ngón tay giật chốt kim loại an toàn khỏi cụm van, tay kia cầm vào vị trí cò bóp. Cần lưu ý, các bạn tuyệt đối không được chạm tay trực tiếp vào phần đầu vòi hoặc bình vì không may sẽ gây bỏng lạnh cho tay, cực kỳ nguy hiểm.
- Bước 3: Thực hiện thao tác nắm chặt cò bóp và bóp van nhằm phun khí CO2 nén ra bên ngoài. Một tay các bạn sẽ nắm chặt mỏ vịt ở phần nắp bình, tay còn lại cầm vòi xịt trực tiếp vào điểm cháy đang bùng lên. Khí CO2 sau khi qua loa phun sẽ có dạng tuyết lạnh giúp dập lửa nhanh chóng.
Bình chữa cháy CO2 dùng để chữa đám cháy nào?
Khá nhiều người thắc mắc đặt ra câu hỏi bình chữa cháy CO2 được sử dụng để chữa đám cháy nào? Bình chữa cháy CO2 chuyên dụng để chữa cháy cho các đám cháy loại E có thiết bị vi mạch máy tính, thiết bị tin học, điện tử, dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, các tệp tài liệu quan trọng,… Các đám cháy loại A (giấy, gỗ, chất rắn,…) cũng rất phù hợp.
Hoặc đối với các sự cố chập cháy ở các đường điện cao thế, hạ thế,… các bạn cũng có thể sử dụng bình khí chữa cháy. Bên cạnh đó, bình chữa cháy CO2 còn được ứng dụng để chữa các đám cháy gây ra do chất lỏng dễ cháy như cồn, xăng dầu, khí gas, khí đốt lỏng, khí metan,…
Không sử dụng bình CO2 để chữa đám cháy nào?
Bình chữa cháy khí cacbon dioxit (CO2) không nên sử dụng để dập lửa các đám cháy có các chất như phân đạm, kiềm thổ, các loại kim loại kiềm, than cốc,… Bởi lẽ khi tác động với nhau, khí CO2 và các chất trong đám cháy sẽ sinh ra những phản ứng hóa học, tạo nên khí CO độc hại khiến đám cháy trở nên phức tạp hơn, nguy cơ cháy nổ cao.
Không dừng lại ở đó, tàn dư của khí CO để lại cũng khiến sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nặng nề, ô nhiễm không khí và môi trường sống, dễ mắc các căn bệnh hô hấp, viêm nhiễm nguy hiểm,…
Những điều cần lưu ý khi sử dụng và bảo quản bình chữa cháy CO2
Lưu ý khi sử dụng bình chữa cháy CO2 an toàn
Như đã kể trên, bình chữa cháy khí CO2 không dành cho các đám cháy có kim loại kiềm, tha cốc, phân đạm,… vì sẽ sinh ra khí CO độc hại và gây nguy cơ cháy to hơn. Trong trường hợp này, các bạn cần sử dụng nước, cát hoặc bình chữa cháy bột để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa.
Các bạn cần lưu ý trong quá trình vận hành và sử dụng bình chữa cháy CO2, hãy cầm vào phần nhựa hoặc phần gỗ cách nhiệt của loa phun, tuyệt đối không chạm tay vào phần van kim loại của bình nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân. Bởi lẽ CO2 lỏng được nén với áp suất rất cao, khi phun ra bên ngoài chúng sẽ trở thành dạng tuyết lạnh (-79 độ C). Chính vì vậy nếu không cẩn thận rất dễ bị bỏng lạnh.
Với cơ chế dập tắt đám cháy trực tiếp từ khí cacbon dioxit, các bạn không nên sử dụng bình chữa cháy CO2 trong những tình huống cháy ở nơi có gió mạnh, vị trí hoang vắng, quá rộng rãi,… Bởi lẽ hiệu quả chữa cháy của bình sẽ rất thấp do khí CO2 nhanh chóng bị tan đi trước khi lửa dập tắt hoàn toàn.
Các bạn cần chọn vị trí đứng phù hợp khi vận hành bình chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình. Cụ thể trước khi phun bình chữa cháy, các bạn hãy đứng ở khu vực đầu hướng gió nếu đám cháy ở ngoài trời, trường hợp đám cháy ở trong nhà thì hãy đứng gần vị trí cửa ra vào.
Trong lúc phun bình khí chữa cháy, các bạn cần giữ bình ở tư thế thẳng đứng. Đồng thời khi phun cần phải đợi lửa tắt hẳn mới được ngừng phun, điều này nhằm tránh tình trạng lửa còn nhen nhóm để dễ bùng lên lại gây cháy to hơn.
Trường hợp phun chữa cháy bình khí CO2, cần sơ tán hết tất cả mọi người ra bên ngoài, bên cạnh đó cũng cần tính toán và dự trù lối thoát sau khi dập lửa xong.
Trong tình huống xảy ra đám cháy ở các trạm biến áp, điện cao thế, điện hạ thế, các bạn cần phải có các dụng cụ bảo hộ đi kèm trước khi thực hiện chữa cháy bằng bình chữa cháy CO2 như: găng tay cách điện, ủng cao su, quần áo bảo hộ,…
Cách bảo quản bình chữa cháy CO2 thế nào cho hiệu quả?
Để bảo quản bình chữa cháy CO2 hiệu quả, các bạn cần phải chọn vị trí để đặt bình ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào bình. Nhiệt độ để bảo quản bình chữa cháy CO2 là từ – 10 độ C đến 50 độ C, vì vậy không nên để bình ở khu vực có nhiệt độ quá 55 độ C để tránh tình trạng tăng áp suất bên trong và gây nổ bình.
Ngoài yếu tố về nhiệt độ, các bạn cũng cần chọn lựa vị trí đặt bình sao cho thuận tiện và dễ dàng lấy ra nhất khi có báo động cháy bất ngờ. Lưu ý cần lắp đặt thêm các biển báo chỗ để bình chữa cháy.
Thao tác kiểm tra và bảo dưỡng bình chữa cháy thường xuyên là hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cũng như kịp thời dập tắt đám cháy khi có báo động đỏ. Điều này nhằm giúp tránh khỏi tình trạng bình bị hỏng hóc ở các bộ phận khác nhau: dây loa phun, cụm van, cò bóp, vỏ bình chưa bị ăn mòn,… Bình chữa cháy bị rò rỉ khí CO2 thì cần phải được sửa chữa hoặc thay thế ngay để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ được hiệu quả.
Sử dụng phương pháp cân đo chuyên dụng để kiểm tra lượng khí CO2 còn trong bình theo định kỳ 12 tháng/ lần với bình chữa cháy CO2 mới và 6 tháng/ lần ở bình đã từng nạp lại khí. Nếu lượng khí trong bình bị giảm hơn so với lúc ban đầu thì cần sửa chữa và nạp đầy khí lại vào trong.
Các câu hỏi khác xung quanh bình chữa cháy CO2
Các thông số kỹ thuật nào được in trên vỏ bình?
Các loại bình chữa cháy nói chung cũng như bình chữa cháy CO2 nói riêng đều được sơn đỏ và bắt buộc phải có ghi các thông số kỹ thuật khác nhau về thiết bị cũng như đặc tính của đám cháy. Các thông số này là thông tin để giúp người sử dụng có căn cứ để chọn mua và biết cách sử dụng các loại bình chữa cháy một cách hiệu quả. Trên bình chữa cháy Co2, các thông số sẽ gồm có:
- Tổng trọng lượng của bình chữa cháy CO2 (kg)
- Khối lượng khí CO2 chứa trong bình (kg)
- Thời gian bình phun hết khí (giây)
- Tầm phun xa của bình (m)
- Trọng lượng bình khi đạt được các yêu cầu về kiểm tra, bảo dưỡng (kg)
Tại sao bình chữa cháy CO2 không có đồng hồ?
Đồng hồ đo áp suất thường được bắt gặp ở bình chữa cháy bột, nó giúp quá trình kiểm tra và bảo dưỡng bình chữa cháy được thuận lợi hơn. Vậy tại sao bình chữa cháy CO2 không được lắp đồng hồ. Với cơ chế hoạt động nhờ lò xò dẫn trực tiếp với lực áp suất nén bên trong bình, kim đồng hồ giúp người dùng có thể nhận biết được tình trạng bột trong bình đang ở mức nào.
Tuy nhiên, đối với các loại bình chữa cháy CO2, khí cacbon dioxit sẽ hình thành dưới dạng lỏng được nén lại rất lớn, dễ bị ngưng tụ. Chính vì thế, việc lắp đồng hồ hơi nước cho các loại bình CO2 khiến chúng ta gặp khó khăn khi quan sát do hiện tượng ngưng tụ. Bên cạnh đó, đồng hồ không thể đo chính xác được cho bình chữa cháy CO2 vì áp suất vận hành của loại bình này lớn hơn gấp nhiều lần so với bình bột chữa cháy.
Chính vì thế, để kiểm tra khối lượng khí bên trong bình, chúng ta sẽ cần nhờ đến phương pháp cân đo để phục vụ cho công tác bảo dưỡng và cũng đảm bảo được chất lượng hoạt động của bình chữa cháy.
Hạn sử dụng bình chữa cháy CO2 là bao lâu?
Theo quy định, hạn sử dụng của các loại bình chữa cháy bột cũng như bình chữa cháy CO2 đều có mức là 5 năm. Thời gian này chính là lúc bình vẫn hoạt động tốt và đảm bảo chất lượng trong quá trình sử dụng, các bạn có thể làm đầy lại bình sau khi dùng xong và nên bảo dưỡng bình đúng thời hạn. Quá 5 năm, các bạn cần phải thay loại bình chữa cháy mới để công tác phòng cháy chữa cháy được đảm bảo thuận lợi và hiệu quả.
Tiêu chuẩn kiểm tra bình chữa cháy CO2 thế nào?
Thông thường, các nhà sản xuất khuyến khích chúng ta nên thực hiện kiểm tra bình chữa cháy CO2 định kỳ 30 ngày/ lần để đảm bảo chất lượng của bình. Tuy nhiên các bạn có thể linh động hơn tùy theo trường hợp của bình mà thực hiện sửa chữa và bảo dưỡng. Thời hạn 12 tháng/ lần cho bình mới và 3 – 6 tháng/ lần cho các bình đã từng nạp khí.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, đặt vị trí hợp lý cho bình cũng khá quan trọng để trong tình huống khẩn cấp có thể nhanh chóng và kịp thời di chuyển và vận hành bình chữa cháy.
Bình chữa cháy CO2 có nguy hiểm không khi xịt vào người?
Khí cacbon dioxit có chứa trong bình chữa cháy CO2 là loại khí lạnh được nén với áp suất cao, có nhiệt độ giảm sâu tận – 79 độ C khi nó được phun ra dưới dạng tuyết lạnh. Chính vì vậy, nhiệt độ này sẽ ngay lập tức khiến da và cơ thể chúng ta bị bỏng lạnh, thậm chí là hoại tử nếu không may bị xịt trúng.
Đây cũng là lý do các cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp,… không nên trang bị nhiều bình khí chữa cháy CO2 khi chưa thực sự hiểu biết về nó cũng như cách sử dụng thế nào. Vì vậy nên việc lắp đặt loại bình này ở nơi gần tầm với của trẻ em hay các khu vực công cộng cũng rất bị hạn chế.
Tương tự như thế, bình chữa cháy CO2 có nên xịt vào quần áo khi bị cháy hay không? Tuyệt đối không được phun khí CO2 từ bình chữa cháy CO2 lên quần áo đang mặc nếu không may bị bén lửa bởi đám cháy. Điều này sẽ gây ra tình trạng bỏng lạnh cấp độ nặng cho cơ thể.
Để khắc phục tình trạng trên, các bạn có thể dội nước ngay lên người hoặc nếu không có nước, điều nhanh nhất cần làm để hạn chế tình trạng bỏng cho cơ thể đó là nằm xuống đất, che mặt lại và duỗi thẳng chân lăn qua lăn lại nhiều vòng đến khi lửa tắt. Hãy chú ý hơn đến phần áo quần đang bị cháy để tập trung dập lửa cho khu vực đó.
Bình chữa cháy đã cũ xử lý thế nào?
Đa phần các loại bình chữa cháy dù là bình bột, bình foam hay bình khí CO2 đều được làm từ chất liệu thép chất lượng cao. Có thể nói loại thép đặc này có thể sử dụng để tái chế sử dụng lại giúp tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Nếu trường hợp muốn tái chế lại bình cũ, đầu tiên người ta sẽ kiểm tra xem trong bình còn các chất bột hay loại khí chữa cháy nào hay không.
Ở bình chữa cháy khí CO2, người ta sẽ tiến hành đo trọng lượng của bình, nếu bình nặng hơn trọng lượng bình rỗng thì sẽ tháo cụm van ra để các khí thoát hết ra ngoài. Lưu ý nên tránh xa bình khi tiến hành thoát khí CO2. Bình chữa cháy cũ sẽ được sử dụng để làm các mục đích tái chế khác nhau. Tuy nhiên không nên dùng lại bình đã cũ để sơn sửa và bơm khí vào lại tạo thành chiếc bình chữa cháy mới, bởi sẽ có rất nhiều rủi ro cháy nổ xảy ra khi bình không đạt chất lượng tốt.
Bình chữa cháy CO2 giá bao nhiêu? Nên mua ở đâu?
Trên thị trường hiện nay, giá bán các loại bình chữa cháy CO2 ở mỗi nhà sản xuất, mỗi cửa hàng phân phối sẽ có mức giá khác nhau dao động từ 300.000 – 4.500.000 đồng, tùy loại khối lượng bình chữa cháy CO2 từ MT2, MT3, MT5, MT24. Nên mua bình chữa cháy CO2 ở đâu uy tín và đảm bảo chất lượng? Các bạn nên tìm hiểu và chọn mua bình chữa cháy CO2 ở các công ty phân phối, cửa hàng bán đồ cơ điện và phòng cháy chữa cháy để đảm bảo bình được hoạt động tốt trong suốt quá trình sử dụng.
Kết luận
Qua những thông tin được chúng tôi tổng hợp và chia sẻ ở trên về bình chữa cháy CO2. Hy vọng các bạn sẽ có thêm cho mình những kiến thức bổ ích về phòng cháy chữa cháy cũng như cách sử dụng bình chữa cháy hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp.