Giai đoạn ăn dặm là một trong những giai đoạn đầu đời quan trọng của bé. Ở giai đoạn này bé sẽ được làm quen với những món ăn thô thay vì chỉ uống sữa như trước, giúp bé được hấp thụ toàn diện các chất dinh dưỡng. Do đó việc lên thực đơn cho con của các gia đình cũng vô cùng quan trọng để giúp phù hợp với từng giai đoạn cũng như đáp ứng được lượng dinh dưỡng đầy đủ.
Một trong những phương pháp ăn dặm phổ biến được nhiều bà mẹ yêu thích lựa chọn áp dụng cho con vào giai đoạn này chính là thực đơn ăn dặm kiểu Nhật. Nếu mẹ nào vẫn chưa rõ về phương pháp này cũng như chưa biết lên thực đơn phù hợp cho con thì cùng tham khảo ngay dưới đây nhé.
Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp cho bé ăn dặm được người Nhật áp dụng trong những giai đoạn ăn dặm cho con. Với phương pháp ăn này, bé sẽ được làm quen dần dần với những món ăn từ mịn đến thô, đa dạng với các món ăn và chất dinh dưỡng, giúp kích thích vị giác giúp bé ăn ngon miệng hơn cũng như tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
Đồng thời một trong những ưu điểm lớn của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chính là giúp bé tự lập hơn trong việc ăn uống mà không chịu phụ thuộc quá nhiều vào ba mẹ, giúp bé nhận biết được nhiều loại đồ ăn và phát triển các giác quan toàn diện.
Ăn dặm kiểu Nhật được chia thành 4 giai đoạn chính phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé: Giai đoạn từ 5-6 tháng, giai đoạn từ 7-8 tháng, giai đoạn từ 9-11 tháng và giai đoạn từ 12-18 tháng. Cùng Hapigo tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này dưới đây nhé.
Ưu điểm nổi bật của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Để biết được vì sao phương pháp ăn dặm kiểu Nhật này lại được các ba mẹ và các bé yêu thích như vậy thì cùng đến với 4 ưu điểm chính của phương pháp này nhé:
- Việc chế biến thức ăn của phương pháp này là sử dụng cối giã nhuyễn thức ăn và dùng rây để giúp thức ăn được mịn hơn chứ không dùng máy xay, tùy vào từng tháng tuổi mà sẽ chế biến khác nhau đôi chút, tuy nhiên về tổng thể với cách này bé vẫn sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị, phần nào kết cấu của món ăn. Thức ăn cũng được giữ lại nhiều chất dinh dưỡng và thơm ngon hơn.
- Việc thay đổi dần dần thói quen ăn từ ăn lỏng đến đặc, từ mịn nhuyễn đến thô sẽ giúp bé làm quen dần dần và không bị hóc, từ đó giúp bé học được kỹ năng nhai nuốt hiệu quả
- Với phương pháp này, ba mẹ sẽ chế biến các loại thức ăn riêng biệt, từ đó bé phần nào có thể nhận biết được hương vị của từng loại, ba mẹ cũng sẽ dễ dàng phát hiện được đâu là thức ăn mà con có thể bị dị ứng.
- Hạn chế được tình trạng bé bị thừa cân. Thông thường những món ăn dặm theo phương pháp này sẽ sử dụng những thực phẩm cung cấp hàm lượng canxi cao, ít chất béo nhờ đó bé hạn chế được nguy cơ bị béo phì
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 5 đến 18 tháng
Tùy vào sự phát triển của từng bé mà bạn có thể tìm được thời điểm ăn dặm thích hợp nhất cho các con. Thông thường khi bước vào tháng thứ 5, thứ 6 bé có thể ngồi được khi có sự hỗ trợ của người lớn. Ngoài ra bé sẽ thể hiện một số dấu hiệu mẹ có thể lưu ý như bé chảy nhiều dãi hơn, hay đòi với thức ăn,… thì có thể thử cho bé các món ăn dặm nhé.
Những thực phẩm mẹ có thể lựa chọn cho vào khẩu phần ăn dặm của bé vừa có thể dễ tìm kiếm trên thị trường nước ta có thể kể tới như cà rốt, bắp cải, cải bó xôi, củ cải, thịt gà,bí đỏ, cá hồi,… Như mình đã kể trên, 4 giai đoạn chính trong quá trình ăn dặm của bé sẽ dựa trên độ tuổi. Để có thể lên được thực đơn phù hợp nhất trong từng giai đoạn, dưới đây Hapigo sẽ gửi tới bạn những thông tin cụ thể nhé:
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng ( có thể từ 5 tháng)
Đây là giai đoạn đầu trong quá trình cho bé làm quen với phương pháp này. Trước lúc này, bé sẽ chủ yếu là uống sữa từ sữa mẹ hoặc sữa công thức, chưa tiếp cận với những món ăn có phần đặc hơn. Do đó để bé quen dần dần, mẹ nên cho bé ăn 1 bữa ăn dặm/ ngày với thức ăn lỏng và mịn nhé.
Chủ yếu mục đích trong những tuần đầu này, mẹ cần cho bé tập quen với những loại thực phẩm khác ngoài sữa, để bé học được cách nuốt thức ăn. Lúc này việc cho bé ăn uống trong ngày mẹ có thể tham khảo cụ thể như sau:
- Lượng sữa tiêu thụ của bé trong ngày: Với những bé bú mẹ thì nên cho bé bú theo nhu cầu. Còn với những bé uống sữa công thức thì chia thành 6 cữ với mỗi cữ uống từ 90-120ml tùy nhu cầu
- Mỗi ngày cho ăn dặm 1 bữa, thời gian tốt nhất là gần trưa. Lượng thức ăn ăn dặm của bé như: cháo 5-30g, rau củ quả 5-20g, đạm 5-10g.
- Cháo của bé nên nấu cháo trắng theo tỷ lệ gạo: nước là 1:10 hoặc cơm: nước là 1:4,5. Đây là tỷ lệ nấu với những nồi chuyên để nấu cháo. Với những gia đình nấu bằng nồi cơm điện thường thì có thể điều chỉnh tăng lượng nước lên nhé.
- Không nên cho thêm gia vị như muối vào thức ăn để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ
- Nên lựa chọn những loại cá có thịt màu trắng như cá điêu hồng, cá rô, cá lóc, cá thu,…để tránh tình trạng bị dị ứng cho bé.
- Những ngày đầu mẹ có thể không cần chú ý nhiều đến việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà tập trung để giúp bé làm quen với các món ăn dặm trước. Còn sau từ 1-2 tuần khi bé quen hơn, mẹ cần phải cung cấp đầy đủ hơn 3 nhóm thực phẩm chính để cung cấp đủ chất là tinh bột, đạm và chất xơ nhé.
- Các loại rau củ phù hợp với bé trong giai đoạn này là cá rốt, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, đậu Hà Lan, cải bó xôi, cải ngọt, rau chân vịt,… nên hấp, luộc chín sau đó giã nhuyễn và rây qua rây để mịn nhé.
- Các loại thực phẩm cung cấp chất đạm như: Lòng đỏ trứng gà, thịt gà, đậu phụ trắng, cá thịt trắng
- Tinh bột có thể là cháo hay mì
- Hoa quả có thể lựa chọn những loại trái cây như chuối, bơ, xoài, đu đủ chín, dưa hấu, táo, lê ,… nạo nhuyễn cho bé ăn
Tham khảo thêm thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng tuổi:
Cháo bí đỏ
Trong bí đỏ có chứa các loại chất như canxi, magie, sắt, vitamin C hàm lượng tinh bột cùng protein,… mang tới nhiều công dụng nổi bật tốt cho não bộ, sáng mắt hơn, hỗ trợ tiêu hóa,….
- Nguyên liệu: Cháo 5-10g. Bí đỏ hấp chín 5g, nước dùng từ nước luộc rau hoặc nước luộc gà: 5-10g
- Cách chế biến: Bí đỏ nghiền nhuyễn và rây thật mịn, sau đó pha với nước dùng, cho chào vào đun sôi lên để tạo thành một hỗn hợp hơi sệt nhẹ
Súp khoai tây
Khoai tây là một trong những thực phẩm có chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người với những thành phần dinh dưỡng quan trọng có thể kể tới như chất xơ, vitamin C, kali, các chất chống oxy hóa,…
- Nguyên liệu: Khoai tây hấp chín: 5g, nước dùng: 5-10g
- Cách chế biến: Bạn luộc/hấp chín khoai tây sau đó nghiền nhuyễn khoai và lọc qua rây để trộn cùng với nước dùng
Cháo cà rốt
Đây là một trong những món đơn giản được chế biến từ cà rốt các mẹ có thể thử nếu cho bé nhé. Cà rốt là một trong những loại củ quả chứa rất nhiều vitamin và muối khoáng, nhất là vitamin A, vitamin C, đồng thời còn giúp phòng bệnh thiếu máu và tăng cường khả năng sinh trưởng của trẻ
- Nguyên liệu: Cháo trắng 5-10g, cà rốt luộc/ hấp chín: 5g
- Cách chế biến: Mẹ nghiền cà rốt và lọc qua rây, sau đó pha cà rốt với nước dùng, trộn cùng với cháo trắng để tạo thành hỗn hợp sánh mịn
Cháo bánh mì sữa chua
- Nguyên liệu: 1-2 lát bánh mì sandwich, sữa chua 5-10g
- Cách chế biến: Cắt nhỏ bánh mì, bỏ phần rìa bên ngoài, sau đó cho vào nồi nấu cùng với 50-70ml nước, bánh mì chín và nở ra, trộn cùng với sữa chua
Cháo cá
- Nguyên liệu: Cá 5-10g, cháo 5-10g, rau cải: 1-15g
- Cách chế biến: Bạn hấp cá chín sau đó lọc bỏ xương và da, sau đó giã mịn và lọc qua rây với nước dùng. Rau cải cũng luộc và giã nhỏ, lọc qua rây cho mịn. Trộn cháo, cá, rau cải với nhau
Khoai tây trộn sữa công thức
- Nguyên liệu: 15-20g khoai tây, sữa công thức 10-15g
- Cách chế biến: Khoai tây gọt vỏ, cắt nhỏ hấp chín, nghiền nhuyễn sau đó lọc qua rây cho mịn. Pha sữa và trộn khoai tây với sữa.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 7 – 8 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, nhiều bé đã có thể nuốt thức ăn một cách dễ dàng, thành thục. Đồng thời cũng có thể ăn được nhiều món ăn, có độ thô hơn những tháng đầu. Mẹ có thể nấu mềm thức ăn, nghiền sơ qua để bé có thể thực hiện nghiền thức ăn bằng lưỡi và nướu chứ không cần nghiền quá mịn như trước.
Mẹ có thể tham khảo cách cho bé ăn dặm giai đoạn này như sau:
- Lượng sữa cung cấp với những bé bú mẹ: cho bé bú theo nhu cầu. Còn với những bé uống sữa công thức thì có thể điều chỉnh giảm xuống 4 cữ/ ngày với lượng sữa tùy chỉnh cho từng bé
- Số bữa ăn dặm tăng lên 2 bữa một ngày với 2 buổi sáng và chiều. Tăng dần với lượng thức ăn với cháo từ 40-70g, chất đạm từ 10-15g, rau 25g
- Với các nấu cháo cho thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 7-8 tháng tuổi là tỷ lệ gạo:nước là 1:7 hoặc cơm: nước là 1: 3. Ngoài ra mẹ có thể đổi món tinh bột như cho bé ăn thêm bún, mì, miến
- Bạn có thể thêm một số loại rau củ trong giai đoạn này như nấm, cà chua, bắp cải, rau dền, mồng tơi,… luộc chín thái nhuyễn
- Một số loại thịt nạc như thịt bò, thịt heo cũng có thể cho thêm vào thực đơn của bé. Thịt đỏ hay gan để bé có thể thích thú hơn với những món mới. Mẹ nên cho bé ăn từng món ít một để có thể biết được bé có bị dị ứng với loại thực phẩm nào hay không.
- Trải cây cũng nên cắt thành những dạng dài để giúp bạn có thể tự cầm, học cách cầm nắm đồ vật chắc chắn, tự cắn ăn, hình thành thói quen tự ăn.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 7-8 tháng tuổi như sau:
Cháo bánh mì sandwich cá hồi
Cá hồi có chứa nhiều protein tốt cũng như ít chất béo bão hòa, nhiều calo, giàu vitamin b12, kali, vitamin D, sắt giúp hệ thần kinh hoạt động tốt, tạo DNA, giúp cơ thể được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi
- Nguyên liệu: Cháo bánh mì: 40g, cá hồi 10g
- Cách chế biến: Bạn nấu cháo bánh mì tương tự như trên. Cá hồi đem hấp chín và loại bỏ da cùng xương cá, dùng thìa để dằm nhuyễn cá. Trộn cháo cùng với cá. Nếu muốn loãng hơn bạn có thể đổ thêm nước dùng vào nhé.
Bí đỏ trộn táo
Quả táo rất giàu chất xơ, cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như calo, vitamin C, K, kali,…
- Nguyên liệu: Bí đỏ 25g, táo 15-20g
- Cách chế biến: Bí đỏ bạn gọt vỏ, cắt miếng đem đi hấp chín, nghiền nhuyễn. Táo bạn nạo với dụng cụ nạo hoa quả hoặc sử dụng thìa để nạo nhuyễn, lọc cho rây lấy nước. Sau đó trộn bí đỏ với nước táo
Cháo trứng
Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như magie, canxi, kali, kẽm, phốt pho cũng như các loại vitamin tan trong nước và chất béo.
- Nguyên liệu: Cháo trắng: 40, ½ lòng đỏ trứng gà, nước dùng 50g
- Cách chế biến: Cho nước dùng vào nỗi đun sôi, cho cháo vào khuấy, đánh tan lòng đỏ trứng rồi cho vào cháo nấu, khuấy đều cho trứng chín kĩ nhé.
Cháo rau cải thịt gà
Thịt gà cũng là một trong loại thịt chứa nhiều vitamin như A,C,E,B1. B2. PP và các loại khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt nên có thể cung cấp cho bé nhiều chất dinh dưỡng tốt.
- Nguyên liệu: Cháo 40g, Rau cải 15-20g, thịt gà 10-15g, nước luộc gà 30g.
- Cách chế biến: Rau cải bạn rửa sạch lấy lá, luộc chín và thái nhuyễn. Thịt gà luộc chín, giã mịn sau đó cho vào xào cùng với rau cải, cho thêm cháo và nước dùng để tạo thành hỗn hợp sánh mịn
Lòng đỏ trứng trộn với khoai tây
- Nguyên liệu: Khoai tây 20-25g, Trứng 1 quả, nước dùng 10g
- Cách chế biến: Bạn gọt vỏ khoai tây sau đó cắt miếng đem hấp chín, nghiền nhuyễn. Luộc trứng gà và lấy ⅓ lòng đỏ, đem nghiền nhuyễn và trộn cùng với khoai tây đã nghiền trước đó.
Mì gà cà rốt
- Nguyên liệu: Mì hoặc bún khô: 40-50g, thịt gà 15-20g, cà rốt 15-20g, nước dùng 150g.
- Cách chế biến: Cà rốt hấp chín, nghiền nhuyễn. Thịt gà luộc chín giã mịn. Bạn rửa bún khô hoặc mì sau đó luộc chín và xả với nước sạch, sử dụng kéo để cắt ngắn cho bé tiện ăn. Đun sôi nước dùng sau đó cho cà rốt, gà và mì vào đun sôi là được nhé.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 9 – 11 tháng tuổi
Với độ tuổi này, các bé đã bắt đầu học cách cắn và nhai bằng nướu cũng như sử dụng lưỡi để có thể nghiền nát được thức ăn. Do đó khi chế biến các món ăn dặm, bạn có thể hầm mềm thực phẩm rồi thái nhỏ để bé có thể học được cách nhai nuốt đơn giản.
Giai đoạn này bạn có thể thêm một số loại gia vị dành riêng cho bé để giúp tăng thêm hương vị cho món ăn nhé. Tham khảo cách lên thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 9-11 tháng tuổi dưới đây:
- Lượng sữa bé uống mỗi ngày: Với những bé bú mẹ thì vẫn nên cho bé bú theo nhu cầu. Còn với sữa công thức sẽ giảm xuống tầm 3 cữ một ngày với khoảng 500-600ml
- Số bữa ăn dặm tăng lên 3 bữa một ngày theo khung thời gian sáng, trưa, tối với lượng thức ăn trên mỗi bữa: Cháo 40-70g, rau từ 25-30g, đạm từ 15-20g.
- Cách chế biến cháo cho bé trong giai đoạn ăn dặm này là theo tỷ lệ gạo: nước là 1:5, hoặc cơm: nước là 1:2.
- Các loại rau củ cần được hấp chín và thái thành những thanh dài hoặc loại nào cứng thì nên nghiền sơ để bé tập sai
- Các loại thịt như thịt gà, thịt lợn, thịt bò hay tôm thì hấp chín và xé thành sợi, giã nhỏ. Với các loại cá thì hấp chín, loại bỏ da và xương sau đó dằm nát cho bé.
- Các loại trái cây cũng nên thái thành những thanh dài với những quả mềm. Còn những trái cứng hơn thì vẫn nên nghiền xơ cho bé để tránh bé bị hóc nhé.
Cách lên thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 9-11 tháng tuổi theo hướng dẫn sau nhé:
Cháo thịt gà sốt cà chua
Cà chua là loại thực phẩm chứa hàm lượng nước lớn, sau đó là chất xơ, với thành phần dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, đạm, ….
- Nguyên liệu: Chuẩn bị 50g cháo đặc, 15-20g thịt gà, 25g cà chua cùng 1 chút dầu ăn trẻ em
- Cách chế biến: Thịt gà loại bỏ da và gà, băm nhỏ. Cà chua bóc vỏ bỏ hạt, thái nhỏ. Xào thịt gà với cà chua chín mềm với một chút dầu ăn, cho thêm một chút gia vị xào dầu cho bé.
Cháo bông cải nấu cá
Bông cải xanh được biết đến là loại rau vô cùng nhiều giá trị dinh dưỡng như vitamin và các khoáng chất, cùng chất xơ và những chất chống oxy hóa.
- Nguyên liệu: Chào đặc 50g, bông cải 15g, Cá 20g, nước dùng 200g.
- Cách chế biến: Bông cải bạn tước xơ đem luộc chín, sau đó thái nhỏ từng miếng. Cá hấp chín, loại bỏ xương và da cá, dầm nát. Đun sôi nước dùng cho cá, cháo, bông cải vào nấu đến khi cháo có phần đặc hơn.
Bún thịt bò rau cải
Thịt bò chứa một nguồn protein phong phú cùng những khoáng chất cần thiết giúp cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng cho cơ thể như sắt, kẽm, selen, choline, vitamin B6 và B12 giúp bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh hơn.
- Nguyên liệu: Bún khô hoặc mì khô 25g, rau cải 25g, thịt bò 20g, cà rốt 10g, nước dùng 200g, thêm gia vị xì dầu cho bé
- Cách chế biến: Bún khô bạn rửa sạch luộc với nước cho chín, xả sạch và cắt thành từng miếng nhỏ cho bé ăn. Rau cải với cà rốt làm sạch luộc chín và thái nhuyễn. Thịt bò thái miếng nhỏ, xào chín. Đun sôi phần nước dùng và cho các nguyên liệu trên vào đun đến sôi là được
Cháo canh bí xanh nấu thịt
Bí xanh hay được gọi là bí đao, là một trong những loại rau củ có vị ngọt thanh được nhiều gia đình yêu thích chế biến thành món ăn dặm cho con. Bí xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, canxi, các loại vitamin B,C, chứa hàm lượng dầu thực vật tốt cho da và tóc
- Nguyên liệu: Cháo 60g, bí xanh 25g, thịt nạc băm nhỏ 20g, hành lá và xíu muối
- Cách chế biến: Bạn gọt vỏ bí, bỏ phần ruột, thái thành từng miếng dài nhỏ. Thịt băm nặn thành từng viên nhỏ. Đun sôi nước cho vào phần thịt viên và bí xanh vào nấu cho chín mềm, có thể nêm thêm xíu muối cho đậm đà nhé.
Cháo bí đỏ thịt gà
- Nguyên liệu: Thịt gà 15g, bí đỏ 15g, cháo đặc 50g, nước dùng 50g
- Cách chế biến: Bạn gọt vỏ bí sau đó cắt miếng đem hấp chín, nghiền nát. Thịt gà luộc chín giã nhỏ. Cho các nguyên liệu trên vào nước dùng để nấu, sau đó trộn cùng vào cháo đặc là hoàn thành nhé.
Cháo đặc ăn kèm với cá hồi xào bông cải
- Nguyên liệu: Chuyển bị cá hồi 25g, bông cải 30g, cháo đặc 50g, một chút dầu ăn và xì dầu cho bé
- Cách chế biến: Cá lọc xương loại bỏ da, thái miếng mỏng. Bông cải tước xơ, làm sạch, luộc chín và thái nhỏ. Cho xào cá hồi với bông cải đến khi chín mềm với một chút dầu ăn, nêm nếm với xì dầu cho thơm ngon. Sau đó cho bé ăn cùng với cháo đặc hoặc cơm nát\
Súp gà cà rốt nấm
Nấm hương hay nấm rơm là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cũng như chứa các loại vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Hương vị của những loại nấm này cũng vô cùng thơm ngon mẹ có thể nấu cho bé thưởng thức nhé.
- Nguyên liệu: Thịt gà 25g, nấm hương hoặc nấm rơm 15g, cà rốt 10g, bột năng 5g, nước luộc gà 100g, chút muối
- Cách chế biến: Bạn loại bỏ da gà luộc chín, thịt thái thành miếng nhỏ. Nấm rửa sạch trụng với nước sôi để đỡ hôi, thái nhỏ. Cà rốt luộc chín với gà sau đó thái nhỏ. Cho nấm, gà, cà rốt vào nước luộc gà, cho xíu muối, nấu đến khi các nguyên liệu chín mềm. Bạn hòa bột năng với chút nước lọc, từ từ đổ vào trong nồi gà nấm cà rốt đang đung để tạo thành độ đặc sánh, cho xíu hành lá thái nhỏ để tăng thêm hương vị.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 12 – 18 tháng tuổi
Đây là giai đoạn các bé đang mọc răng nên việc nhai nuốt thức ăn cũng dễ dàng hơn. Thức ăn cũng bé cũng có thể điều chỉnh không cần nấu mềm như trước. Việc cầm nắm của bé cũng trở nên thuần thục hơn, mẹ có thể cho bé tập cầm thìa để bé ăn giúp bé tạo nên thói quen tự lập.
- Với những bé bú mẹ mà đang cai sữa thì mẹ nên bổ sung cho bé thêm 2 cữ ăn phụ/ngày. Hoặc với những bé uống sữa công thức thì nên tập cho bé uống bằng lý để có thể giúp bé tập thói quen uống sữa như người lớn nhé
- Lượng thức ăn mỗi ngày nên từ 3 bữa chính sáng, trưa, chiều và 2 bữa phụ
- Tinh bột: Cháo đặc hoặc cơm nát từ 80-90g/bữa
- Đạm bổ sung mỗi bữa: Từ cá, tôm: 15-18g, lòng đỏ trứng: ⅔ quả; đậu phụ 50g; thịt bò, thịt lợn từ 5-18g.
- Rau củ mỗi bữa cung cấp từ 40-50g
- Khi chế biến với cơm nát thì mẹ nấu với tỷ lệ gạo: nước là 1:2, hoặc cơm: nước là 1:1
- Đối với những loại rau củ bạn nên luộc hấp cho chín rồi cắt khúc vừa ăn để bé có thể dễ cầm cũng như xúc ăn. Các loại thịt nên thái mỏng để bé dễ ăn, tôm bóc vỏ để nguyên con,…
- Các loại trái cây tráng miệng cũng nên thái thành những miếng dài nhỏ để bé có thể tự cầm ăn mà không cần ba mẹ hỗ trợ
Mẹ có thể tham khảo thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 12-18 tháng tuổi như sau:
Cơm nát cùng trứng chiên nấm rơm
- Nguyên liệu: 1 quả trứng gà, nấm rơm 25-30g, chút dầu ăn, xì dầu, nước dùng 10g, ngò rí
- Cách chế biến: Bạn sơ chế làm sạch nấm rơm, trụng sơ qua nước sôi sau đó rửa lại với nước lạnh, vắt khô thái thành miếng nhỏ. Đánh tan trứng với nấm cùng ngò thái nhỏ, nêm chút xì dầu và nước dùng. Cho vào chiên hỗn hợp trứng, cuộn lại, sau đó cắt thành từng khúc nhỏ
Cơm nát ăn cùng canh rau củ thịt gà
- Nguyên liệu: Chuẩn bị 20g thịt gà, khoai tây, cà rốt, bông cải mỗi laoij 10g, nước dùng 150g, muối dầu ăn
- Cách chế biến: Bạn thái thành miếng mỏng thịt gà. Các loại rau củ làm sạch thái hạt lựu. Cho nấu trước khoai tây cà rốt với nước dùng đến khi chín, cho bông cải vào sau.
Bánh mì sandwich chiên với trứng
- Nguyên liệu: 2 lát bánh mì sandwich, 1 lòng đỏ trứng, dầu ăn và muối, sữa tươi
- Cách chế biến: Bạn cắt bánh mì thành từng lát sau đó đánh tan lòng đỏ trứng với chút muối. Cho bánh mì đã cắt nhúng vào lòng đỏ trứng sau đó mang đi chiên cho bánh chín vàng là có thể thưởng thức cùng với sữa tươi
Cơm nát cùng cải thảo cuộn thịt
- Nguyên liệu: 2-3 lá cải thảo, 25g thịt bằm, 1 tai nấm mèo, 1 cây hành tây. nước dùng 150-200g
- Cách chế biến: Làm sạch cải thảo và hành lá sau đó trụng qua nước sôi cho mềm. Ngâm nấm cho nở, rửa sạc và thái sợi. Thịt băm trộn với nấm mèo cùng chút gia vị. Trải cải thảo và cuộn hỗn hợp thịt băm vào, cuốn lại với cọng hành. Đun nước dùng rồi cho cuộn cải thảo vào hầm đến khi chín thì cắt khúc nhỏ cho bé ăn
Một số lưu ý khi chế biến thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé
- Bạn có thể thực hiện thực đơn ăn dặm kiểu Nhật kết hợp truyền thống để phù hợp nhất với nhu cầu và mong muốn của các bé, không nên gò bó và áp theo một tiêu chuẩn nhất định mà nên dựa vào tình hình thực tế của con để điều chỉnh
- Khi chế biến bạn có thể sử dụng thìa để đong đo lượng thức ăn nếu không muốn sử dụng cân mất thời gian. Thường 1 thìa cà phê sẽ tương đương với 5g hay 5ml
- Lượng thức ăn mỗi bữa ăn dặm cho bé khá ít nên để giúp tiết kiệm thời gian chế biến cũng như tiện lợi hơn cho ba mẹ thì bạn có thể trữ đông những nước dùng như nước hầm rau, nước hầm thịt vào ngăn đông, cho vào những khay đá có nắp để mỗi lần sử dụng có thể lấy dễ dàng
- Bạn có thể ngâm gạo trước khi đun từ 30 phút đến 1 tiếng để có thể giúp cháo nhanh mềm khi đun
- Cháo để nguội có thể bảo quản trong khay đá dùng dần như nước dùng được nhé. Tuy nhiên nếu có thể đun sử dụng trong ngày được vẫn là tốt nhất
Kết lại
Trên đây là những thông tin chi tiết về thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé vào từng giai đoạn cụ thể. Mong rằng với những chia sẻ này những ba mẹ nào vẫn còn đang thắc mắc về phương pháp ăn dặm này có thể có thêm cho mình được thông tin cũng như gợi ý về các món trong thực đơn của bé thêm đa dạng nhé.
Hãy nhớ để có thể giúp bé ăn dặm tốt nhất, ba mẹ cùng gia đình hãy chú ý đến tâm lý của trẻ, tạo cảm giác hứng thú khi ăn cùng những món ăn mà bé yêu thích nhé. Ngoài ra nếu chưa biết lựa chọn loại thìa ăn dặm nào phù hợp thì có thể tham khảo thêm thông tin trên Hapigo nhé.